Đập Đồng Cam trước năm 1945 còn có tên là đê Bảo Đại, là một công trình thủy lợi lớn trên sông Ba do người Pháp thiết kế và chỉ huy xây dựng. Công trình này được khởi công vào năm 1924, đến năm 1930 hoàn thành đập chính và đến năm 1932 thì hoàn thành toàn bộ hệ thống dẫn thủy nhập điền để phục vụ nước tưới cho (hiện nay đã mở rộng hơn ) ruộng lúa ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Ba. Sông Ba là con sông lớn của khu vực miền Trung, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Toàn bộ chiều dài của dòng sông là 360km, trong đó đoạn chảy qua địa phận tỉnh Phú Yên là 90km. Trong suốt chiều dài của dòng sông có nhiều phụ lưu hợp thành, tạo lưu lượng dòng chảy lớn, vào mùa nắng mực nước ổn định và không bị khô cạn. Trên đường đổ ra biển, tại vị trí cách cửa sông khoảng 35km, dòng chảy đổi hướng tạo thành vòng cung, cũng từ đây trở về xuôi sông có tên gọi là Đà Rằng. Tại vị trí này, ở lòng sông có một bãi đá lớn nhô lên mặt nước, cản dòng chảy con sông. Trong quá khứ, khi các phương tiện đường thủy còn xuôi ngược trên sông Ba cũng không thể qua lại được trên khúc sông này. Chính vì đặc điểm đó mà người xưa đã đặt địa danh nơi đây là Mặt Hàn, còn trong các sử sách cũ gọi là Thạch Hãn. Đây chính là vị trí thích hợp nhất mà cách nay gần chín thập niên, các kỹ sư người Pháp đã lựa chọn để tiến hành xây dựng công trình đập Đồng Cam, đập đầu mối của hệ thống thủy nông thuộc loại lớn ở nước ta vào thời điểm đó. Đập Đồng Cam được xây dựng trên nền đá granit vững chãi, điều đó đã góp phần làm gia tăng độ bền vững và sự tồn tại lâu dài cho công trình. Toàn bộ thân đập dài 688m, nối núi Trù Cát (nay thuộc xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) ở bờ bắc với núi Qui Hậu (nay thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) ở bờ nam. Ở đầu phía nam của đập, có một đoạn dài 65m được tôn cao, có tạo các cống xả các. Độ cao trung bình của đập là 5m tính từ móng đá, có điểm cao đến 10m, có điểm chỉ cao 3m, và độ cao so với mặt nước biển là 22,4m. Vật liệu xây đập và hệ thống cửa van tại điểm đầu của các kênh dẫn nước là đá. Đây là loại đá granit được khai thác tại địa bàn xây dựng, qua quá trình gọt đẽo, tạo tác và vận chuyển, xây lắp bằng sức người rất kỳ công để tạo thành một công trình có quy mô bề thế và kiên cố. Những viên đá có kích thước, hình dạng và tiết diện không đều nhau, được liên kết với nhau bởi những mạch xi măng cát có độ dày 2cm rất đều đặn, đảm bảo về mặt kỹ thuật và có tính thẩm mỹ cao. Trong quá trình thi công đập Đồng Cam, người Pháp đã huy động vào đây hàng chục vạn nhân công. Những người làm việc tại đây phải lao động hết sức gian khổ dưới sự giám sát rất gắt gao của các giám thị người Pháp. Họ phải làm việc trong môi trường tự nhiên rất khắc nghiệt, vì vào thời điểm xây dựng đập, nơi đây vẫn còn là nơi lam sơn chướng khí. Nhiều người đã bỏ mình trong quá trình thi công xây dựng đập. Hiện nay, trên sườn núi Trù Cát còn một nhà bia lưu danh 52 người đã mất khi tham gia xây dựng công trình này. Bên cạnh những giá trị to lớn về mặt thủy lợi, đập Đồng Cam còn là một di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của lớp người đi trước. Việc xác định vị trí xây dựng, thiết kế công trình, việc tính toán chuẩn xác cho từng hạng mục công trình, sức bền vượt thời gian của công trình, đặc biệt là quá trình thi công hoàn thành công trình chủ yếu bằng sức người trong thời điểm chưa có nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ là điều khiến thế hệ hôm nay hết sức trân trọng..
Hide player controls
Hide resume playing